Chính thể Sachs Goldman_Sachs

Nhờ chiến lược tuyển dụng khôn khéo, Goldman Sachs luôn là nơi tập trung của những bộ não hàng đầu về kinh tế, tài chính. Không chỉ tuyển dụng khéo, Goldman còn tỏ rất khôn khéo trong việc "cho về vườn" những nhân sự xuất sắc ở tuổi "chắc chắn sẽ kiếm việc thứ 2". Bằng cách đó, Goldman dần dần có đội ngũ "cựu binh" xâm nhập vào hệ thống đầu não của tất cả các công ty toàn cầu, ngân hàng đối thủ và chính phủ các nước, đặc biệt tại Hoa Kỳ - nơi được xem là hệ qui chiếu của cả thế giới.

Hiện tượng trên quá phổ biến đến nỗi vào tháng 10-2008, nhà báo Ambrose Evans-Pritchard của New York Times gọi ví von Goldman Sachs là "Government Sachs" (government = chính phủ). Bài báo nêu nhiều lo ngại khi hầu hết các cơ quan đầu não về kinh tế và tài chính của Hoa Kỳ đều có sự hiện diện của các "cựu binh Goldman". Evans-Pritchard chỉ ra một số gương mặt "cựu binh Goldman" nổi trội như Bộ trưởng Ngân khố Hank Paulson (từng là CEO của Goldman), Neel Kashkari – phụ trách chương trình ứng cứu ngân hàng của chính phủ, chuyên viên đầu tư của Bộ Ngân khố Reuben Jeffrey, cùng các nhân vật chủ chốt khác của Bộ Ngân khố như Dan Jester, Steve Shafran, Edward C. Forst, và Robert K. Steel. Ngoài ra, còn có Stephen Friedman – chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang tại New York (khi nhậm chức ông Friedman vẫn còn ngồi ở ghế hội đồng của Goldman và có cổ phần ở tập đoàn này), William C. Dudley – giám đốc bộ phận mua bán các loại chứng khoán chính phủ của New York FED, và E. Gerald Corrigan (người đứng đầu cơ quan phân tích rủi ro Phố Wall). Lúc đó, Evans-Pritchard chưa biết rằng về sau còn có thêm rất nhiều "cựu binh Goldman" về đầu quân cho tổng thống kế nhiệm ông Bush. Chẳng hạn, tổng thống Obama bổ nhiệm Gary Gensler làm người đứng đầu Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai, hay Bộ trưởng Ngân khố Geithner chọn Mark Patterson (người đứng đầu hoạt động lobby - vận động hành lang – của Goldman) là cố vấn trưởng tại Bộ Ngân khố. Sau khi Patterson rời Goldman, người thay thế ông nay lại là cố vấn trưởng của Barney Frank – chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Chứng khoán Hạ viện.

Một người giữ cột khác của New York Times, nhà báo David Brooks lưu ý rằng trong chiến dịch tranh cử của ông Obama, các nhân viên của Goldman Sachs đã chi nhiều tiền hơn nhân viên của bất kỳ công ty, ngân hàng hay định chế nào khác. "Trong vài năm qua, người của Goldman Sachs đã kiểm soát một phần lớn chính quyền liên bang", Brooks viết. "Trong vài năm nữa, có thể họ sẽ nắm toàn bộ các vị trí trọng yếu".

Goldman Sachs là trái tim của Phố Wall, và Phố Wall là trái tim của kinh tế Hoa Kỳ. Khi cuộc khủng hoảng nặng nề nhất 60 năm diễn ra, nhiều người cho rằng Goldman có lẽ phải "co vòi". Tuy nhiên, chính trong cuộc khủng hoảng, Goldman đâm rễ sâu hơn vào bộ máy công quyền ở Hoa Kỳ và cả thế giới.